Con vẹt con

Con tập nói từ rất sớm. Ngay từ khi biết tự nói “siểu nân nân”, con đã tự nghĩ và nói luyên thuyên thêm đủ thứ. Nhiều khi con “nói chuyện” với mọi người cứ như người lớn vậy mặc dầu mọi người nói chuyện với con chẳng hiểu con nói cái gì và cũng không biết con có hiểu mọi người nói hay không.

Nhưng rồi dần dần những từ con nói cũng bắt đầu rõ ràng hơn. Ban đầu là những câu gọi đơn giản “bà ơi, mẹ ơi”, rồi “bố ơi, ông ơi”, tiếp theo là những cụm 2, 3 từ “ăn cơm, uống nước, ngồi bô ị”. Đến 15 tháng là con đã bắt đầu nói luyên thuyên một câu lằng nhằng có đến chục từ. Nhiều hôm nhà có khách, con đến đứng trước mặt khách, nói một tràng làm khách ngạc nhiên, mẹ cứ tha hồ mà “dịch” theo ý thích. Hôm sinh nhật chị Hoài An, con bắt chước chị cầm cái micro của cái đàn organ đồ chơi, gí sát vào miệng, hát luyên thuyên một hồi bài “Happy birthday” (tất nhiên là ngọng líu ngọng lô) làm cả nhà cứ cười rũ cả ra.

Bà ngoại bảo, như vậy là con giống mẹ, sẽ biết nói sớm thôi và đến khi biết nói, con chắc chắn sẽ nói những câu “già đanh già đế” giống mẹ ngày trước cho mà xem. Để chờ xem sao nhé!

Ăn cháo hạt

15 tháng tuổi, Tết Mậu Tí, 12 cái răng. Đấy là cái mốc đánh dấu ngày con bắt đầu từ bỏ cháo xay, chuyển sang ăn cháo hạt.

Thực ra thì cháo xay và cháo hạt chẳng khác gì nhau. Có khác là cháo hạt thì để nguyên, cháo xay thì lấy cháo hạt xay lên rồi đun sôi lại trước khi cho con ăn. Vậy thôi!

Thế nhưng, bà ngoại và mẹ lại chế biến hơi khác mọi người một chút. Cháo xay thì cho tất cả các thứ (tinh bột – gạo, đậu, lạc; đạm – thịt, tôm, cá,…; chất xơ – rau, củ) vào một nồi nấu chung. Nấu xong đem bỏ vào máy xay sinh tố, xay lên (ban đầu xay kỹ, sau xay sơ sơ cho vỡ và đều các thứ), đun lại và thêm dầu ăn (dầu lạc, vừng, dầu gấc, dầu gan cá) vào là xong. Còn với cháo hạt, ninh cháo với nước xương xong, thay vì cho rau/củ vào ngay từ đầu (hoặc lúc cháo gần chín) thì lại đem xay rau/củ chung với thịt/cá lên, khi cháo chín mới cho hỗn hợp này vào đun lại, chín rồi mới thêm dầu ăn và nêm nếm lại cho vừa. Sau này, để con tập ăn thức ăn thô hơn, mẹ và bà không xay rau nữa mà cắt rau thật nhỏ cho luôn vào cháo. Vì thế nhiều hôm, bác Quý bảo trông bát cháo của con chả khác gì cháo cho mấy chú ỉn con ăn vậy.

Bà ngoại có một kinh nghiệm để nấu cháo vừa nhừ lại nhanh, đỡ bị mất chất: gạo trước khi ninh cháo đem vò rồi ngâm khoảng 30 phút, sau đó đổ nước (cao hơn gạo khoảng 3, 4cm tùy lượng gạo) và nấu cho đến khi gần cạn nước (chỉ mất khoảng 30 phút thôi trong khi nếu ninh như bình thường phải mất cỡ 90 phút là ít); tiếp theo mới cho nước xương vào ninh tiếp khoảng 10 – 15 phút nữa là nồi cháo đã nhừ, chỉ việc thêm rau, dầu ăn nữa là xong.

Còn mẹ, mẹ rút ra một kinh nghiệm nho nhỏ khi phối hợp các thứ để nấu cháo cho con như sau: nếu nấu cháo thịt lợn thì có thể kết hợp hầu hết các loại rau (rau ngót cũng chỉ hợp với thịt lợn thôi), cháo thịt bò chủ yếu hợp với các loại rau cải và mướp, cháo thịt gà ngon nhất là nấu không có rau, còn nếu cần phải có rau thì cho các loại rau màu trắng, cháo lươn/cá/tôm cũng nấu không rau hoặc kết hợp với rau màu trắng và nhất thiết phải thêm chút hành, mùi, thì là, vừa tạo hương vị cho bát cháo, lại vừa tập cho con làm quen với rau gia vị, một loại rau chứa rất nhiều vitamin và kháng sinh tự nhiên.

Trước khi kết thúc bài này, mẹ phải mở ngoặc nói thêm: mẹ viết bài này thực ra là vì mẹ muốn ghi nhớ một vài điều coi như là tí kinh nghiệm nuôi con vậy. Còn con thì chắc là phải khi nào thật là lớn, sắp làm mẹ thì mới cần vài kiến thức kiểu như thế này.

Lạnh lịch sử

Đây là đợt rét đậm, rét hại lịch sử, kéo dài tới tận 38 ngày liên tục (từ 14/1 đến 20/2), được xác định là đợt rét dài và đậm nhất trong lịch sử 20 năm gần đây tại đồng bằng Bắc Bộ. Ban ngày có hôm xuống 10 độ, ban đêm có lúc chỉ còn 4 độ. Trời ơi là rét!

Vì thế, nhà mình, cả ở Hà Nội và Nam Định, giống như mọi nhà khác, bao nhiêu chăn đệm, quần áo ấm, khăn, găng tay, mũ len,… đều được huy động hết để chống rét. Ai trông cũng to lù lù như gấu! Riêng con thì mấy cái áo khoác được sử dụng tất, ngày cũng như đêm đều phải mặc để được ủ ấm. Thậm chí, có những đêm, lạnh quá, ngoài lớp áo khoác to sụ, mẹ lại còn đánh liều trùm hết cả chăn của mẹ lên cho con, mà lại trùm qua đầu, chỉ lót gối thêm tạo lỗ thông hơi cho con vừa được ấm lại không bị ngạt. Sau này nghĩ lại thấy lúc ấy mẹ liều thật, nhỡ mà ngủ quên, chăn trùm kín mít, con mà bị làm sao thì đúng là “không có cái dại nào giống cái dại nào”.

Đấy là tình hình khi 2 mẹ con ở Phan Đình Giót trước khi về ăn Tết ở Nam Định. Còn sau khi ăn Tết xong, cả nhà sang nhà Nguyễn An Ninh để ở thì hơi khác một tí. Trời rét nhưng phòng khách nhà 2 bác Lâm Châu lại không được đóng cánh cửa thông ra hành lang nên cửa này lúc nào cũng mở thông thống, ngồi trong nhà mà chẳng khác gì ngồi giữa mây trời bao la! Rét không thể chịu được! Chả hiểu ông thầy địa lý nào mách cho 2 bác mà mách “ác” thế không biết! Vì thế, ban ngày con và chị Hoài An chơi ở phòng khách, lúc nào cũng phải để ý xem con ngồi chỗ nào, có bị gió lạnh thổi hay không. Còn ban đêm, cả mấy chị em, mẹ con, cô cháu xúm xít trên cái giường đôi ở phòng ngủ nhỏ (mẹ này, chị Loan và chị Huyền giúp việc này, con gái này, cả chị Hoài An thích vui cũng sang ngủ chung). Vì thế, lạnh lẽo tự nhiên đi đâu hết, có hôm lại còn nóng, con bức bối đạp hết cả chăn, hở cả người làm mẹ nửa đêm sờ con mà phát hoảng.

Đấy, như thế là con biết thế nào là rét lịch sử rồi nhé! Mẹ viết đoạn nhật ký này cũng chỉ để ghi nhớ lại một “dấu ấn lịch sử” đã từng xảy ra mà con được chứng kiến. Bởi vì bây giờ con mới hơn 1 tuổi, lớn lên chẳng thể nào mà nhớ được đâu!

Anh cu Tí

Anh cu Tí ra đời là cả một sự kiện lớn của nhà ngoại mình.

Lý do thứ nhất là vì anh cu Tí sẽ là “đít nhôm” của ông bà ngoại, là cháu nối dõi của các cụ ngoại (tức ông bà nội của mẹ). Lần đầu tiên biết anh là con trai (2 bác Lâm Châu đã ghi đĩa CD hôm bác Châu siêu âm màu nhìn thấy cái “ngẩu” tí xíu của anh), cả nhà mừng lắm. Mừng nhất là ông bà ngoại, tuy chẳng nói ra nhưng ai cũng biết tỏng là ông bà ngóng cháu trai nội từng ngày.

Lý do thứ hai là vì bác sỹ dự kiến anh cu Tí sẽ khá to, khoảng xấp xỉ 4,0kg. Bác Châu lo lắm, không biết sẽ sinh như thế nào, đẻ thường hay mổ đây. Chị Hoài An lần trước 3,6kg đẻ đã thấy đau lắm rồi, anh cu Tí mà đến 4,0kg thì chẳng biết sẽ còn đau đến thế nào. May mà anh cu Tí là con rạ, lúc sinh lại chỉ 3,5kg nên bác Châu vượt cạn cũng không đến nỗi khó khăn cho lắm.

Lý do thứ ba là chọn ngày nào không chọn, anh Tí lại chọn đúng ngày 1 Tết để chào đời! Trước đó cả tháng, cả nhà cứ đoán già đoán non, không biết anh sẽ là “con lợn vét” năm cũ hay là “con chuột vàng” năm mới đây. Người thì mong anh sinh trước Tết cho được tuổi Hợi an nhàn sung sướng. Người lại mong anh sau Tết hãy sinh để cho cả nhà được ăn Tết thoải mái. Thế mà anh có nghe đâu, chọn đúng mùng 1 Tết đòi ra để cả nhà được ăn một cái Tết trong bệnh viện. Hay là tại cả nhà cứ gọi trước anh là “anh cu tí”, nên đáng lẽ ra đời sớm hơn, anh lại cứ cố chờ cho đến đúng cái ngày đầu tiên của năm Tí?

Sáng 30 Tết, bác Châu thấy cơn co liền ngồi xe máy bác Lâm nhập viện. Ông bà ngoại vội vàng lo bữa cơm tất niên rồi cũng vào viện chực chờ. Chị Hoài An không chịu ở nhà, đòi vào viện cùng bố mẹ và ông bà, cũng nhấp nhổm không yên. Mẹ thì ở Nam Định, chỉ biết gọi điện lên hỏi thăm liên tục xem tình hình thế nào. Đến đêm bác Châu cũng chưa trở dạ, chị Hoài An liền theo ông về nhà ngủ cùng gì Thắng (gì nghỉ Tết cũng không về quê, ở lại giúp cho nhà mình). Bà ngoại suốt đêm thức chờ, phần vì mệt, phần lại lo lắng, tự nhiên lên cơn tăng huyết áp, hoa mắt chóng mày, tí nữa thì cũng phải cấp cứu trong bệnh viện. May mà cơn đau qua nhanh, bà nằm nghỉ ngoài hành lang bệnh viện vài tiếng cũng thấy đỡ.

Gần sáng, bác Châu sinh anh Tí. Đáng lẽ ra bình thường lúc sinh xong, người nhà sẽ được vào để bế bé và mẹ sẽ được nằm nghỉ ở phòng chờ. Nhưng đêm đó là giao thừa, bác sỹ và y tá trực chỉ có 3 người, cả phòng đẻ lại lưa thưa vài người chờ chuyển dạ nên đỡ xong cho bác Châu, bác sỹ lại đi thẳng về phòng để ngủ, báo hại mọi người ở ngoài chờ đợi mỏi cổ, chẳng biết ở trong bác Châu đã sinh anh Tí hay chưa. Mãi đến gần sáng, bà ngoại thấy sốt ruột, vào đại trong phòng thì mới hay anh Tí ra đời từ lúc nào đang nằm ngủ ngon lành một góc, bác Châu cũng đang nằm nghỉ ngay trên bàn đẻ! Thật là tội nghiệp!

Thế là nhà ngoại mình thêm một thành viên mới. 2 bác Lâm Châu được một “điểm 10 cho chất lượng”. Cụ ngoại toại nguyện có cháu trai đích tôn. Ông bà ngoại vui mừng đón đứa cháu thứ ba. Bố mẹ thêm một đứa cháu ruột thứ tư. Còn con đã có 2 anh trai, 2 chị gái, chỉ thiếu 1 em trai là đầy đủ mọi bề!

Cái Tết thứ hai

Tết Mậu Tí năm nay diễn ra trong cái giá rét căm căm nên mọi thứ dường như cũng không được tưng bừng náo nhiệt.

Sáng 26 tháng Chạp, hai mẹ con tay xách nách mang cái va li to đùng chỉ toàn quần áo, được ông ngoại đưa ra bến rồi tự lên xe về Nam Định. Về đến nơi có 2 bác Thuận Quý đã đứng chờ đón sẵn ở bến xe nên việc đi lại của 2 mẹ con cũng chẳng có gì là vất vả.

Tết năm nay rét nên nhà mình cũng chỉ sắm sửa vừa phải. Trang trí Tết có cây đào phai nhưng rét quá nên bác Thuận đổ mãi nước ấm mà hoa vẫn không chịu nở. Mẹ cũng tranh thủ chạy ra chợ Rồng mua 2 “hoàng tử, công chúa chuột” về dán lên tấm gương trông cho vui mắt. Bác Quý cũng tranh thủ chất đầy tủ lạnh nào thịt, giò, gà, bò, su hào, cà rốt, măng khô,…, tha hồ ăn uống mấy ngày trong Tết.

Trời lạnh nên ai cũng co ro. Ông nội suốt ngày ở trong phòng, phải đến mấy ngày không ra ngoài sân vì sợ trúng gió, ông ốm lại khổ. Bà nội trước khi ra ngoài cũng phải khăn, mũ, áo kín mít mà vẫn thấy buốt. Bà bảo rét từ trong rét ra chứ không phải từ ngoài rét vào. Bà Thanh mùng 2 Tết cũng về chơi, đếm số lượng áo bà mặc cũng chẵn con số 10, quần thì số 5! Bà được phong là “ủy ban chống rét” mà lị! Trà My thì khỏi nói, lúc nào cũng cái áo khoác giày cộp, đã nằm xuống thì đố mà tự ngồi lên được! Riêng chị Thủy và anh Dũng, vận động nhiều nên cũng chỉ cần 3 cái áo, 1 cái quần là đủ ấm.

30 Tết, năm nào cũng vậy, cả nhà 2 bác Thuận Quý sang nhà bà ngoại ăn giỗ. Mẹ ở nhà cùng bà nội chuẩn bị cho mâm cúng tất niên. Cơm tất niên xong, 2 bác lại chuẩn bị đi lễ nhà chùa Phù Long ngay gần nhà mình theo đúng truyền thống. Chùa vào ngày này rất đông, càng đến gần giao thừa lại càng nhộn nhịp. Mọi người đi chùa lúc này đều thành tâm khấn cầu cho một năm mới an khang, hạnh phúc, làm ăn phát đạt và gặp nhiều may mắn. Lúc về ai cũng xin nhà chùa một nhành phất lộc xanh non để mang về nhà một chút lộc xuân mong cho năm mới phát tài. Mẹ cũng đã được đi chùa đêm giao thừa hai lần trong hai năm đầu bố mẹ mới cưới. Tết năm ngoái Trà My mới sinh nên mẹ không đi. Còn năm nay trời quá rét, lại có con ở nhà nên mẹ cũng chẳng đi, chỉ có 2 bác và chị Thủy đại diện cho cả nhà đi cầu lộc năm mới.

Giao thừa! Con chờ dài cả cổ nên buồn ngủ, ngủ tít trên tay mẹ. Bác Quý bày sẵn mâm cúng giao thừa ngoài sân, chỉ chờ đến đúng giao thừa là thắp hương cẩn cáo. Bác Thuận và anh Dũng, năm nay lại được tuổi, chạy tít ra ngoài ngõ, co ro đứng chờ đến giao thừa là chạy ào vào nhà xông nhà năm mới! Ông bà nội chuẩn bị tinh thần từ trước, lúc mọi người đông đủ là ông bà lì xì cho cả nhà. Bố Hoàn online cả tối nhưng đến giao thừa lại phải đi chuẩn bị party nên không tham gia cùng cả nhà được. Tiếc cho Trà My quá, bao nhiêu lời chúc và lì xì của cả nhà mẹ đều nhận thay hết, con cứ ngủ khì chả cần biết năm mới năm me thế nào.

Mùng 1 Tết, cả nhà 2 bác cùng 2 mẹ con tranh thủ sang chúc Tết nhà bà Thanh, bác Yến, bác Oanh và bà ngoại của Dũng Thủy. 2 mẹ con xúng xính áo mới, quần mới nhưng đẹp đẽ chẳng thấy đâu, chỉ thấy chật chội, khó quay trở vì phải mặc quá nhiều để tránh rét. Ra đường cũng có nhiều cái hay, mang lại một không khí Tết vui vẻ, phấn chấn, át đi phần nào cái lạnh bất thường của năm.

Mùng 4 Tết, 2 mẹ con lên đường ra Hà Nội. Lên đến nơi, thay vì ở Phan Đình Giót, cả nhà kéo nhau sang Nguyễn An Ninh để ở vì nhà ngoại mình có thêm 1 thành viên mới: bác Châu mới sinh anh cu Tí nên bà ngoại sang chăm sóc, mà bà ở đâu thì cả nhà ở đó là lẽ đương nhiên rồi!