Cai sữa – Nhiệm vụ bất khả thi

13 tháng tuổi, bà ngoại và mẹ quyết định cai sữa cho con.

Thực ra, mẹ và bà cũng phải rất khó khăn khi đưa ra quyết định này. Cai sữa cho con trong lúc con đang nghiện ti như thế thật là tội cho con. Nhưng có bao nhiêu lý do để bà và mẹ quyết tâm cai sữa. Thứ nhất, chị Hoài An cai sữa lúc 14 tháng tuổi, cai rất nhanh và dễ. Con cũng đã 13 tháng, để lâu lâu hơn thì con sẽ khôn hơn, sẽ khó cai hơn rất nhiều. Thứ hai, sữa mẹ bây giờ không còn nhiều và không đặc như trước, con thích ti nhưng chỉ là ti cho vui, cho đỡ thèm cơn bú và cho cả thú …thích cắn của con nữa! Thứ ba, Tết sắp đến, 2 mẹ con lại về Nam Định ăn Tết, cai sữa để dễ bề đi chơi, không phải lo “vạch áo cho người xem ti” lúc con hứng lên đòi bú. Thứ tư, con chỉ bú sữa mẹ mà không chịu uống thêm sữa ngoài nên lượng sữa vào người con rất ít, chiều cao của con so với mức trung bình đã bị kém đi 2cm. Thứ năm, thứ sáu, v.v… và v.v… Vì thế, mẹ quyết định cai sữa cho con xem tình hình có cải thiện hơn không.

Phương án cai sữa được vạch ra như sau: ban ngày, mẹ sẽ trốn đi làm để tránh gặp con. Bà sẽ trông con không cho con gặp mẹ. Ban đêm, mẹ sẽ phải tiếp tục trốn con, ngủ một mình trên gác. Còn con sẽ ngủ với bà, không được ngủ với mẹ. Nếu con nhìn thấy mẹ, đòi mẹ thì mẹ phải “ăn bánh bơ, đội mũ phớt”, cấm không được chiều con mà cho con bú lại. Kế hoạch cứ thế mà tác chiến, tuyệt đối phải tuân lệnh.

Ngày thứ nhất, mẹ nhìn thấy con nhưng con không được nhìn thấy mẹ. Con vẫn ăn, chơi, ngủ nghỉ như bình thường.

Đêm thứ nhất, để đề phòng con thèm sữa và quấy khóc, mẹ và bà chuẩn bị nào nước, sữa tươi, nào bánh bích quy, choco-pie, bánh gạo và linh tinh vài thứ đồ chơi. Lúc đầu, con vui vẻ đi ngủ với bà. Nhưng chỉ đến 11h đêm, con bắt đầu nhớ ti mẹ và khóc. Ban đầu con khóc kiểu rấm rứt, ỉ ôi, bà bế nằm con không chịu, bế đứng con không ưa mà phải vừa đứng vừa nhún nhẩy con mới tạm hài lòng, chịu thiu thiu ngủ. Đến 2h sáng, theo thói quen, con lại đòi ti mẹ. Lần này không nể nang gì hết, con gào tướng lên, khóc hết cả hơi, khản cả cổ. Mẹ sốt ruột không ngủ được, cứ hết ngồi trên giường lại mò xuống ngồi nép phía cầu thang nhìn trộm hai bà cháu vật lộn trong “tổ chim cúc cu”, thỉnh thoảng lại lấy thứ nọ, dúi trộm thứ kia theo “mệnh lệnh không người nghe” của bà. Khóc 2 cơn con mới chịu ngủ trở lại cho đến sáng.

Ngày thứ hai, trò chơi “bịt mắt bắt dê” lại tiếp tục. Mẹ con ở cùng trong nhà 30m2 nhưng không giáp mặt nhau. Mẹ cứ phải trốn con, chỉ được nhìn con qua khe cửa bếp. Lúc mẹ trên gác thì con dưới nhà. Lúc con ra sân thì mẹ mới được xuống gác lấy thứ nọ thứ kia. Con gái cũng có vẻ nhớ mẹ nhưng hình như chưa ý thức được mình nhớ cái gì nên chỉ buồn buồn tí chút, pha trò là con cười lên ngay.

Đêm thứ hai, bà và mẹ lại chuẩn bị cả “vật chất” và “tinh thần” như đêm thứ nhất. Như để động viên mẹ và bà, con không khóc vật vã như đêm thứ nhất nữa, chỉ khóc 1 cơn rồi đi ngủ cho tới sáng.

Ngày thứ ba, trò chơi lại tiếp diễn. Buổi trưa, mẹ mạnh dạn vào phòng ôm con. Con có vẻ sung sướng lắm, nhìn thấy mẹ là chạy lại nằm vào lòng mẹ, miệng ê a luyên thuyên một mớ những gì chẳng rõ. May mà con không đòi đến cái ti. Đúng hơn là con có đụng đến cái áo mẹ nhưng mọi người vội vàng đánh lạc hướng nên con lại thôi. Sau giấc ngủ chiều, mẹ lại tiếp tục tránh mặt con để chuẩn bị cho đêm thứ ba.

Đêm thứ ba, sau một ngày lấy lại sức, con bắt đầu thể hiện khả năng gào khóc của mình. Con khóc ròng rã 1 tiếng rưỡi đồng hồ, mà vừa khóc con vừa gào chứ không phải khóc ri rỉ, người thì cứ cứng đơ đơ bà bế thế nào cũng không chịu, đưa thứ gì cũng không chịu cầm chịu ăn. Bà vật lộn với con đến 1 giờ sáng thì cũng mệt phờ, bà đành chịu đầu hàng, gọi mẹ vào yêu cầu cho con bú. Mẹ lúc ấy cũng đã đầu hàng từ lâu, muốn vào với con lắm rồi nhưng không dám vì vẫn hy vọng bà trị được con, đến khi thấy bà ra hiệu là vội vàng bế con luôn, vạch áo luôn cho con ngậm ti. Con bú một cách sung sướng ngon lành, nhắm mắt ngủ một mạch đến sáng.

Như vậy là chiến dịch cai sữa đã thất bại hoàn toàn. Sau lần ấy, con khản giọng dễ phải đến 2 tháng sau mới hết. Nghe kể chuyện, người thì bảo sao bà và mẹ nôn nóng thế, phải từ từ, dần dần, phải kiên trì và thật dũng cảm, kiên định mới cai sữa cho con được. Người thì bảo như vậy Trà My cá tính quá, khó mà cai thành công. Người lại nói, sao cai sớm thế, để đến 2 tuổi, mẹ hết sữa thì tự khắc con sẽ bỏ ti. Bà ngoại phân tích, sở dĩ bất thành là do bà và mẹ hơi vội vàng, đột ngột ngắt sữa cho con mà chưa chuẩn bị cho con. Nói chung là cai sữa cho con quá khó! Chả bù cho chị Hoài An, chỉ 2 miếng băng dính đen là xong, bác Lâm hồi xưa cũng chỉ cần vài cái kẹo và ít đường đỏ, còn mẹ thì chỉ vài miếng mứt gừng là ti của bà …đi vào dĩ vãng!

Dựa vào nhau mà sống

Con có biết là con ngày càng ngang bướng không?

Trước đây, việc cho con ăn dễ dàng bao nhiêu thì bây giờ khó khăn bấy nhiêu. Lúc trước, đến giờ ăn là cứ thế xúc, khi con chán chán thì hoặc là bật đĩa ca nhạc “5 ngón tay ngoan”, “hát lên họa mi”, hoặc đĩa quảng cáo, hoặc đĩa Cubeez. Còn bây giờ, cho con ăn là phải đè con ra, một tay giữ chặt con, một tay cầm thìa, đưa qua đưa lại trước miệng, chầu chực khi nào miệng con há ra là đút tọt vào. May mà lúc đói, chỉ cần cháo vào được miệng là con nuốt, không ngậm, không như chị Vy “tít” hàng xóm, ngậm chảy nước mới thôi.

Giờ ăn của con vất vả như thế, đến giờ ăn của cả nhà lại đến mệt với con. Con chạy loăng quăng từ chỗ nọ sang chỗ kia, ngồi người này một tí, người kia một tí, xin người này một miếng, người kia một miếng. Sắm cho con cái bát riêng, thìa riêng thì con xúc còn vụng về, rơi vãi lung tung, lúc hứng lên con lại xúc thức nọ bỏ vào bát kia, đến là mệt khi bữa nào cũng phải dọn dẹp chỗ rơi vãi rồi đối phó với mấy trò nghịch ngợm của con.

Không chỉ việc ăn mà cả nhà còn mệt với con việc tè, việc ị. Con ăn cháo xay, đầy đủ rau, thịt nên một ngày con ị những 2, 3 lần. Mỗi lần son són ra một tí. Lúc trong năm thì con ị là biết ngay, chỉ việc lấy bô ra hứng, rửa ráy là xong. Còn bây giờ, con ị lung tung, thích lúc nào ị lúc ấy, mà con lại không chịu ị bô, ị trong quần con mới sướng! Một ngày đến vài lần như vậy, chưa kể tè! Cả nhà tập cho con bao nhiêu lần mà con chẳng chịu sửa đổi. Tập ngồi bô thì con chỉ thích cái bô màu tím của chị Hoài An, lúc về Nam Định ngồi cái bô đỏ là con không thích. Đến khi quen cái bô đỏ rồi thì lúc lên Hà Nội, con lại quên béng cái bô tím luôn, cả ị, cả tè con đều tương vào trong quần. Trời ấm thì không sao nhưng đằng này trời lạnh cắt da cắt thịt, lau chùi không đủ sạch mà phải pha nước, rửa ráy cho con một ngày vài lần như vậy, vừa tức vừa thương con lắm con có biết không?!

Chuyện ăn, ị là thế. Bên cạnh đó, tính tình của con cũng bắt đầu thay đổi theo chiều hướng ngày càng đanh đá. Con hay giận dỗi hơn, hay thích cái gì cũng tự mình làm hơn, hay thích nhõng nhẽo, mè nheo hơn. Nhiều lúc bướng, con khóc lóc dỗ mãi không chịu nín. Nhiều trưa khó ngủ, mẹ đi làm, con bắt bà ngoại phải ôm đi lại ngoài ngõ không biết bao lâu. Nhiều đêm con trằn trọc, khóc lóc, bế kiểu gì con cũng không chịu. Những lúc như thế, bà ngoại thở dài, bảo: “Thôi, mẹ con mày phải dựa vào nhau mà sống vậy!”. Còn mẹ, mẹ trả lời bà rằng: “Thôi, con khó là thế, sau này bố mẹ phải dựa vào nhau mà sống vậy!”

Siểu nân nân

Mẹ vừa chỉ vào Trà My vừa hỏi:
– Ai đây nhỉ?

Trà My vừa nheo nheo mắt, vừa chúm chím miệng cười, vừa ngọng nghịu trả lời:
– Siểu nân nân.

Đây chính là cụm 3 từ đầu tiên con tự nghĩ và nói ra cho mọi người nghe. Mẹ cũng không biết xuất xứ của 3 từ này. Trước đây con mới chỉ bập bè vài từ 1, 2 tiếng: mẹ, bà, măm, “nhước” (nước), bố “oàn” (bố Hoàn),… Đến khi con tự ghép các từ thì tự nhiên nó thành “siểu nân nân”. Chẳng ai bày cho con cái cụm từ này cả. Lạ ghê!

Cái cụm từ này của con mẹ rất thích. Mới nghe cứ tưởng là “siêu nhân” nhưng với các kiểu nói ngọng của con thì nó thành “siểu nân nân”, nghe nó mới dễ thương làm sao! Chỉ tiếc là con hay quên, được 3 tuần là con không thèm nói cho mọi người háo hức nữa.

Con biết đi

Đây là một cái mốc quan trọng của bất cứ em bé và bố mẹ nào nuôi con trên Trái đất này.

Lúc con biết tênh tênh là lúc mà cả nhà mong ngóng ngày con bước đi những bước đầu tiên. Mẹ cứ lấy cái mốc sinh nhật 1 tuổi để so sánh con với những đứa trẻ khác xem con biết đi hay chậm. Mẹ cứ nghĩ đơn giản thế này: bố 17 tháng mới biết đi, mẹ 10 tháng đã đi được thì chắc là con sẽ biết đi lúc khoảng giữa giữa, tức là 12 hoặc cùng lắm là 13 tháng tuổi. Gì Hương nhà bà Mười (như mẹ nhớ) đúng hôm sinh nhật 1 tuổi là đứng dậy tự đi mấy bước liền. Chị Hoài An đến 14 tháng tuổi mới đi trong khi người con gọn gàng hơn chị thì chắc con sẽ biết đi sớm hơn. Vì thế mẹ cứ đinh ninh trong đầu: ngày con tròn tuổi cũng là ngày con sẽ biết đi cho mẹ!

Nhưng rồi phải đến lúc 13 tháng tuổi con mới bắt đầu đi. Ấy là mẹ tính lúc con tự đi được ở ngoài đường, còn con tự đi trong nhà vài bước mẹ không tính. Thời gian chờ đợi con biết đi quả là dài nhưng thời gian tập cho con đi lại nhanh hơn so với các bạn khác rất nhiều. Đầu tiên là việc con tự đi trong xe tập hình tròn. Cái việc này con làm dễ như bỡn! Chỉ có điều con “đi” thì ít mà con “lao” thì nhiều! Tức là con không lẫm chẫm từng bước một mà đi được vài bước, ngồi phịch xuống rồi lấy 2 chân làm đà, đạp 1 phát cho xe trôi đến đâu thì trôi. Nhiều lúc con lao ra cửa báo hại mọi người phải hộc tốc lao theo giữ xe cho con. Nguy hiểm đến nỗi mà có hôm bà ngoại lao theo con, trượt chân ngã phịch xuống, đau hông mất mấy tuần.

Sau xe tập hình tròn là đến cái xe đẩy tập đi. Cái xe “đai – lần” này bà ngoại mượn của anh cu con bác Xuân ngoài ngõ. Tên cái xe mỹ miều là thế nhưng thực ra có chỉ có 1 cái khung hình chữ nhật, 4 cái bánh tròn tròn khấp khểnh, 1 cái thanh ngang làm tay vịn, trông lại đen đen bẩn bẩn, chả được xanh xanh đỏ đỏ như của 3 bạn Ngọc hàng xóm. Ấy thế mà cái xe rất chi là được việc. Con mê mẩn cái xe đến nỗi có hôm bà phải mượn qua đêm để tối con tập đi đến tận khuya.

Tập đi bằng xe được 4 ngày thì bà và mẹ bắt đầu cầm tay dắt con đi ở ngoài đường. Trước hết là cầm hai tay con giơ lên trên, con đi trước, mẹ bước theo sau. Sau đấy là dắt 1 tay để con cùng bước bên cạnh. Tập như thế chỉ khoảng 10 ngày là bà và mẹ bỏ tay con ra để con tự đi. Mới đầu chỉ đi được 2, 3m. Rồi 5, 6m. Cứ thế tăng dần dần lên. Có hôm mẹ chạy tít ra đằng xa, cách con dễ có đến 20m, rồi cứ thế, con vừa giơ 2 tay ra đằng trước, vừa líu ríu đi lại phía mẹ trong tiếng cổ vũ của mọi người. Con lúc ấy dễ thương lắm!

Lúc con biết đi rồi là con rất thích đi. Hơi một tí là con đòi ra ngoài đi dạo, “đi tơi, đi tơi”. Ra đến ngoài đường, hoặc là con thích đi một mạch ra phía đường cái, không cần biết xe máy xe đạp hay mẹ chạy theo kiểu gì, hoặc là con đi thẳng ra phía cổng xí nghiệp, nơi có bạn gà chọi chiều nào như cũng tha thẩn “đợi” con. Nhìn thấy nó là con xông thẳng vào, 2 tay giơ ra như muốn túm lấy nó, miệng thì “ton gà, ton gà”. Thế là gà chạy đằng gà, người chạy đằng người vì con thấy nó vừa chạy vừa kêu toáng lên nên con sợ, lại chạy về phía mẹ. Không chỉ bạn gà mà mấy bạn chó, mèo nhà các ông bà cạnh đường con cũng đều trêu tuốt. Những đứa trẻ con khác nhìn thấy chó mèo là sợ, còn con thì thích lại càng gần càng tốt, sờ được con lại càng khoái. Con gái gan dạ hơn mẹ nhiều rồi!

Sinh nhật 1 tuổi và món quà bố mẹ dành cho con

Mẹ muốn mở đầu cuốn nhật ký thứ hai này bằng bài viết cuối cùng của cuốn nhật ký thứ nhất – món quà bố mẹ dành cho con nhân sinh nhật con tròn Một tuổi (tuy nhiên mẹ có thay đổi chút ít để ai đã từng đọc cuốn 1 sẽ không thấy lặp lại). Mẹ nghĩ, đây là những tình cảm yêu thương nhất mà bố mẹ, ông bà, các bác, các anh chị dành cho con. Con hãy đón nhận con nhé!

“1 năm tuổi, cái mốc thời gian quan trọng của bất cứ em bé nào. Và con cũng thế!

Tuổi của con giờ đây không còn tính bằng tuần, bằng tháng nữa mà bắt đầu được tính bằng tuổi, bằng năm.

Một tuổi, năm qua trôi qua biết bao nhiêu là sự kiện.

Với con là khoảnh khắc con chào đời, là những thay đổi trong cơ thể, là những tiến bộ từ lẫy, bò rồi đứng, là việc làm quen những đồ vật xung quanh, là lúc tìm hiểu thế giới trong đó có ông bà, bố mẹ và những người thân yêu.

Với bố mẹ, ấy là hạnh phúc lúc giờ phút được làm bố, làm mẹ, là lúc sung sướng khi con biết cười, biết nịnh, là lúc lo lắng khi con ốm, con đau và cũng là lúc tự hào khi con lớn, con khôn.

Với ông bà nội ngoại, được thấy con, được chăm bẵm, âu yếm con, được lo lắng, nuông chiều con, mọi vất vả, khó nhọc dường như tan biến.

Với những người thân bên con, con là thành viên mới, bé nhỏ nhất, yếu đuối nhất, cần được bao bọc, che chở nhất.

Hiện giờ, con là “trung tâm của gia đình”.

Nhưng con ạ, “chim mẹ mớm mồi cho chim con, nhưng chim con phải bay lấy một mình”. Con sẽ lớn, sẽ thay đổi, con sẽ phải tự chăm lo lấy bản thân mình.

Vài tuần nữa con sẽ biết đi, lúc ấy con sẽ phải tự đi. Vài tháng nữa con sẽ biết cầm thìa, con sẽ phải tự xúc ăn. Một thời gian nữa con sẽ biết cởi quần áo, con sẽ phải tự biết mặc quần áo. Và vài năm nữa, con lớn lên rồi, con sẽ phải học cách tự chủ, độc lập, tự con sẽ quyết định con cần phải làm gì.

Nhưng đừng lo con gái ạ, mọi người sẽ luôn bên cạnh con. Ông bà, bố mẹ, các bác, các cô chú, các anh chị luôn mong sao con ngoan ngoãn, xinh đẹp và sau này, sống thật là có ích.

Còn hôm nay, xin đọc tặng con bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người” của nữ thi sỹ Xuân Quỳnh, một bài thơ rất hay, “viết cho trẻ con và cho những ai đã từng là trẻ con” (mẹ bắt chước ông Nguyễn Nhật Ánh tí chút).

Trời sinh ra trước nhất
Chỉ toàn là trẻ con
Trên trái đất trụi trần
Không dáng cây ngọn cỏ
Mặt trời cũng chưa có
Chỉ toàn là bóng đêm
Không khí chỉ màu đen
Chưa có màu sắc khác

Mắt trẻ con sáng lắm
Nhưng chưa thấy gì đâu!
Mặt trời mới nhô cao
Cho trẻ con nhìn rõ
Màu xanh bắt đầu cỏ
Màu xanh bắt đầu cây
Cây cao bằng gang tay
Lá cỏ bằng sợi tóc
Cái hoa bằng cái cúc
Màu đỏ làm ra hoa

Chim bấy giờ sinh ra
Cho trẻ nghe tiếng hót
Tiếng hót trong bằng nước
Tiếng hót cao bằng mây
Những làn gió thơ ngây
Truyền âm thanh đi khắp
Muốn trẻ con được tắm
Sông bắt đầu làm sông
Sông cần đến mênh mông
Biển có từ thuở đó
Biển thì cho ý nghĩ
Biển sinh cá sinh tôm
Biển sinh những cánh buồm
Cho trẻ con đi khắp
Đám mây cho bóng rợp
Trời nắng mây theo che
Khi trẻ con tập đi
Đường có từ ngày đó
Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru

Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc
Mẹ mang về tiếng hát
Từ cái bống cái bang
Từ cái hoa rất thơm
Từ cánh cò rất trắng
Từ vị gừng rất đắng
Từ vết lấm chưa khô
Từ đầu nguồn cơn mưa
Từ bãi sông cát vắng…

Biết trẻ con khao khát
Chuyện ngày xưa, ngày sau
Không hiểu là từ đâu
Mà bà về ở đó
Kể cho bao chuyện cổ:
Chuyện con cóc, nàng tiên
Chuyện cô Tấm ở hiền
Thằng Lý Thông ở ác…
Mái tóc bà thì bạc
Con mắt bà thì vui
Bà kể đến suốt đời
Cũng không sao hết chuyện
Muốn cho trẻ hiểu biết
Thế là bố sinh ra
Bố bảo cho biết ngoan
Bố dạy cho biết nghĩ
Rộng lắm là mặt bể
Dài là con đường đi
Núi thì xanh và xa
Hình tròn là trái đất…

Chữ bắt đầu có trước
Rồi có ghế có bàn
Rồi có lớp có trường
Và sinh ra thầy giáo …
Cái bảng bằng cái chiếu
Cục phấn từ đá ra
Thầy viết chữ thật to:
“Chuyện loài người” trước nhất.”