9 tháng con trong bụng mẹ

Bố mẹ mong có con từ lâu lắm rồi! Bố mẹ cưới nhau được 6 tháng thì phải tạm xa nhau. Bố làm nghiên cứu sinh mãi tận Hà Lan. Mẹ ở nhà mong có con để quãng thời gian chờ đợi ngắn lại. Nhưng ông trời chẳng chiều lòng mẹ! Vất vả mấy lần, lặn lội sang tận Hà Lan mà mãi chẳng được. Thế nhưng rồi mẹ cũng toại nguyện. Ngày con hình thành cũng là ngày bố hết đợt phép về thăm nhà (6/12/2005 – 1/3/2006). Kể chuyện có con mà ai cũng phải phì cười! Ấy là chuyện bố phải xin kéo dài thêm 2 tuần phép nữa thì mong ước của mẹ mới trở thành hiện thực. Bây giờ bố mẹ nghĩ lại, có lẽ 2 tuần đấy là khoảng thời gian ý nghĩa nhất trong cuộc đời của bố mẹ cho đến bây giờ.

Khó khăn thế mới có được con nên mang con trong bung với mẹ là một thử thách lớn. Mẹ chẳng dám đi xe máy, không dám ngồi xổm, kiên quyết không ăn uống linh tinh, nhắm mắt nhắm mũi nuốt những thứ mà mẹ không hề muốn. Mẹ phải nghiêm ngặt tuân theo chế độ dưỡng thai mà bác sỹ đề ra. Nào là đi khám định kỳ, nào là uống thuốc bổ, thuốc trợ thai, nào là chịu đau 3 tháng đầu để 2 ngày một lần ngồi yên cho bác sỹ tiêm thuốc. Rồi lại còn ăn uống nữa. Nào là trứng gà ngải cứu, cá chép hấp ngải cứu, trứng ngỗng, canh cua… Nghe thì sướng thật đấy nhưng với mẹ là một cực hình. Mà đâu chỉ riêng mẹ, cả nhà cũng vất vả vì con. Bố ở tận Hà Lan lúc nào cũng thấy sốt ruột, lo âu. Ông bà ngoại, Bác Lâm, bác Châu, chú Chiến, đến cả mấy cô chú hàng xóm nhiều khi cũng thành xe ôm bất đắc dĩ! Chị Hoài An không dám ngồi lên lòng mẹ vì sợ làm con đau. Ông bà nội và 2 bác Thuận – Quý ở Nam Định cũng lo lắng không yên. Con phải biết ơn mọi người con nhé!

Rồi con cũng lớn dần. 8 tuần con bé bằng hạt đậu mà đã thấy đầu, thân. 11 tuần bằng quả nho mà đã thấy rõ cả chân, tay đang nghịch ngợm. Đến 22 tuần mẹ nhìn con qua màn hình siêu âm 4 chiều thì thấy con đã thực sự là 1 “con người” đúng nghĩa, mặc dù con mới chỉ nặng 400gr. Bố nhìn con như thế cũng thấy sung sướng rung rinh hết cả người! Còn cả nhà thì thở phào vì đã hết thời gian nguy hiểm. Nhưng cũng chẳng được bao lâu thì lo lắng lại ập đến. 32 tuần mẹ đi khám thì bác sỹ bảo là rau bám thấp, có thể sinh non, mẹ nên sinh mổ, không nên sinh thường. Nghe mà sợ! Cả nhà lại phấp phỏm không yên trong sự lo lắng, đợi chờ. Thế rồi tuần 36, 38, 40 cứ thế trôi qua. Mẹ và con vẫn bình an vô sự. Bác sỹ dự đoán con được 2,8kg, 3,0kg rồi 3,3kg. Mẹ tranh thủ đi học các lớp tư vấn tiền sản, chăm chỉ tập thể dục trong nhà, bồi dưỡng sức khỏe và mua sắm đồ đạc để chuẩn bị đón con chào đời. Tuần thứ 41, mẹ chẳng dám đi khỏi nhà. Đi bệnh viện khám thì ông ngoại phải đưa đón. May mà ông nghỉ hưu đúng lúc (1/11/2006)! Bác sỹ thì nói, nếu 3 ngày nữa mà con không tự chui ra thì sẽ bắt con phải ra. Bác sỹ sợ nếu quá ngày thì con sẽ gặp nguy hiểm. Nhưng mẹ tính rồi, con vẫn chưa quá ngày. Mẹ sẽ cố gắng để con được sinh ra bình thường như bao trẻ khác. Và ngày sinh con cũng đến…

Lời ngỏ

“…
Không có một phần thưởng xứng đáng nào bù đắp cho nỗi cực khổ vô tận của người mẹ bằng sự quan sát, nhìn ngắm bé lớn lên. Thực là kỳ diệu, thực là tuyệt vời!

Mới ngày nào bé đỏ hỏn, khóc oe oe chào đời, mặt mũi nhăn nheo xấu xí, mình trơn tuột như con cá vừa vớt ở ao lên, chỉ vài ba tháng đã da dẻ hồng hào, mắt môi rực rỡ, tay chân ngo nghoe hóng chuyện. Rồi bé mỉm cười, rồi bé cười ra tiếng. Nụ cười đó đã xóa tan đi bao nỗi bực dọc, âu lo của ta. Tiếng khóc và nụ cười bé đã làm ngôi nhà sáng bừng lên, đầy sinh khí, tràn tương lai…

Rồi bé ngửng cao đầu, rồi bé biết lật, bé biết bò, bé biết đứng chựng, bé chập chững đi, hai tay giơ cao để giữ thăng bằng như diễn viên xiếc đi trên sợi dây thép. Mỗi một tiến bộ nhỏ của bé là một niềm vui lớn của ta.

Khi bé nhú lên hai chiếc răng cửa, ta thấy có ánh sáng ngà ngọc đâu đó dưới mái nhà êm ấm. Khi bé bập bẹ vài tiếng nói đầu tiên, ta thấy lòng tràn ngập hân hoan.

Theo dõi bé, nhìn ngắm bé, quan sát bé lớn lên, ta bỗng tìm thấy ta – chính hình ảnh ta ngày xưa! Ta thấy cái dòng sống trôi miên man và ta bỗng cảm ơn bé, cảm ơn ta. Cũng nhờ bé ta biết thế nào là công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục.

Bé, ngay từ thuở ấu thơ này, đã trả ơn trọn vẹn cho cha mẹ rồi!
…”

(Trích “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” – Bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc, NXB Thanh niên 1994)