Mẹ sinh con

Ngày con ra đời là một ngày bình thường. Nhưng trước đó 2 ngày thì lại là một ngày đặc biệt – 20/11, ngày Nhà giáo của bố mẹ và cũng là ngày sinh nhật mẹ theo lịch âm. Sáng mẹ đi khám, mọi sự vẫn bình thường. Tối đến, trời làm một cơn mưa đá kinh thiên động địa. Mất điện, mưa, gió. Cả nhà lo lắng con đòi ra lúc này. Nhưng con chưa đòi. Hôm sau, trời trở lại bình thường và con cũng rục rịch đòi ra. Nhưng mẹ vẫn chưa muốn đến bệnh viện. Mẹ sợ phải ở lại viện, sợ phải chứng kiến cảnh người khác la hét khi sinh em bé. Mẹ muốn chờ đến lúc không thể chờ được nữa.

Cả đêm 21/11 mẹ không ngủ, nằm đếm từng cơn co. Mẹ biết con sắp ra nhưng vẫn cố chờ cho trời sáng để ông bà ngoại và bà Lam có thể ngủ được một giấc trọn vẹn, phòng khi phải trực nếu đêm hôm sau mẹ mới sinh. 6h sáng ngày 22/11, mẹ quyết định đi viện. Mẹ tranh thủ ăn sáng, lau người thay quần áo, đến 7h thì bác Châu chở mẹ đến viện Việt Nhật trong khi trời tự nhiên chuyển gió lạnh. Mẹ nhập viện ngay sau đó. Mẹ thay bộ váy đẹp đẽ sang bộ váy áo của bệnh viện. Bộ váy xấu khủng khiếp mà có lẽ trên đời này chỉ để dành cho các bà đẻ!

Bà ngoại và bà Lam chờ mẹ và con bên ngoài phòng đẻ. May sao bệnh viện cho phép mẹ có thể đi ra vào thoải mái. Cả buổi sáng mẹ cứ ra ra, vào vào, cười cười, nói nói, rồi tranh thủ ăn uống, đi lại, vê ti và thở. Cơn đau chưa làm mẹ thấy sợ. Mãi đến 2h chiều mà mẹ mới mở được 2 phân. Bà ngoại lo quá, định nhờ bác sỹ can thiệp để mẹ có thể đẻ chỉ huy. Mẹ nửa muốn nửa không, đành bảo bà thôi chờ thêm lúc nữa vậy. Đến 4h thì cơn đau thực sự mới bắt đầu hành hạ. Mẹ quằn quại trên giường, không thể đi đứng được nữa. Nhưng mẹ bắt mình phải tỉnh táo, không được la hét vì sợ mất sức. Mẹ nhắm mắt cố gắng tập trung vào việc thở những lúc cơn đau lên đến đỉnh điểm và cố gắng xả hơi giữa các cơn đau. Mẹ cố hướng suy nghĩ của mình đến điều được ghi trong sách “vượt qua từng cơn đau để đến gần với con hơn”.

5h30 chiều thì mẹ được đưa vào phòng đẻ. Nhưng vẫn chưa phải lúc con ra. Mẹ nằm một mình, đối phó với những cơn co và những cơn rặn “mắc đẻ”. Bác sỹ thì chưa sang đến phòng mẹ nằm vì mẹ vẫn chưa mở hết. Mẹ muốn rặn con ra lắm rồi mà chưa được phép. Đến 6h thì các bác sỹ vào. Đón con ra có 1 bác sỹ, 1 cô y tá, 1 cô điều dưỡng và bác Hằng (là em bác Hương hàng xóm nhà mình). Mẹ cũng chẳng nhớ được tên các cô, các bác ấy vì không còn tâm trí đâu mà để ý nữa. Mẹ chỉ muốn rặn mà thôi!!!

Rồi cũng đến lúc con chào đời! Phải đến 6 hay 7 hơi rặn gì đó thì mẹ mới đẩy được con chui ra. Đúng là lý thuyết mẹ nắm rất vững nhưng lúc thực hiện thì toàn làm ngược. May mà mẹ có sức nên có rặn thêm mấy hơi nữa mẹ vẫn làm được! Lúc con ra, con khóc, bao nhiêu đau đớn tự nhiên tan biến hết, một cảm giác khoan khoái đến kỳ lạ tràn ngập khắp cơ thể mẹ. Mẹ cố nhìn đồng hồ để ghi nhớ giờ phút con chui ra. 18 giờ 14 phút ngày 22 tháng 11 năm 2006, tức ngày 2 tháng 10 năm Bính Tuất. Mẹ cũng cố ngoái nhìn xuống dưới để xem con thế nào nhưng chẳng thấy được, chỉ nghe tiếng khóc choe chóe của con. Chắc lúc đấy cô y tá đang lau chùi và ủ ấm cho con. Lúc sau thì bác Hằng bế con ra cho mẹ nhìn con. Mẹ nhìn con mà chẳng biết nói gì, chỉ thấy 2 khóe mắt ngân ngấn. Mẹ thấy con cứ là lạ thế nào!

2 tiếng sau 2 mẹ con mới được ra nằm phòng ngoài. Mọi người dường như đã chờ đợi từ lâu lắm. Mà con biết không? Biết bao nhiêu người chờ đón con ngoài hành lang bệnh viện: ông bà ngoại, bà Lam, ông bà Linh – Dy, ông bà Minh – Nhâm, bà Mười, 2 bác Lâm – Châu, chị Hoài An, cô chú Giang – Long và cả chú Chiến nữa. Xem lại băng video hôm ấy, thấy gia đình mình cứ như là đi họp chợ, vừa buồn cười mà cũng vừa cảm động! Bố thì cả ngày cứ như ngồi trên đống lửa, gọi điện về liên tục. Lúc mới từ phòng đẻ ra, nghe tiếng bố qua điện thoại hỏi mẹ hỏi con, mẹ thấy lúc ấy sao mà muốn khóc thế. Khóc vì mừng mẹ đã giỏi giang vượt cạn thành công, khóc vì bố con đã thành “bố của trẻ con” như bố mong từ lâu lắm rồi.

Trông con lúc mới đẻ ra hay lắm cơ! Con nặng 2,9kg. Khuôn mặt thì nhỏ, cằm thì nhọn hoắt, đầu thì lắm tóc nhưng tóc lại ngắn tủn đúng kiển húi cua giống bố, lưng dài chân ngắn (kiểu này sau này dễ dài lưng tốn vải, lười nhác lắm đây), người bé nhưng tròn lẳn, mắt to, đen, giống hệt mắt bố với 2 lông mày cứ thích nhướn lên nhưng mắt phải lúc nào cũng bị chảy nước mắt sống (không rõ là do ảnh hưởng của nước ối hay tắc tuyến lệ), mũi con cao cũng giống bố nốt. Có lẽ mỗi cái miệng là còn hy vọng giống mẹ. Sau này bà ngoại bảo, con giống hệt bố từ đỉnh đầu đến gót chân, trừ mỗi chỗ cần giống thì lại chẳng thèm giống!

Bà ngoại đón con từ tay bác sỹ, con cứ mở mắt nhìn hau háu. Sang tay bà Nhâm con cũng không khóc, không ngủ. Pha cho con 30ml nước mật ong rồi sau đấy là 30ml sữa mà con ăn một mạch hết sạch. Ai cũng phì cười cho là con sau này chắc “ăn thùng uống vại” lắm đây. Mãi phải đến một lúc sau con mới ngủ ngon lành trên tay bác Châu. Mẹ thì cứ đắm chìm trong sung sướng, cười cười nói nói với mọi người suốt, không thèm tranh thủ ngủ vì cứ nghĩ đến đêm tha hồ mà ngủ.

Dè đâu, cả đêm mẹ không ngủ vì đau vết thương và đau do co dạ con. Bà ngoại cũng trằn trọc cả đêm phục vụ mẹ. Bà Nhâm cũng ở lại bệnh viện chăm sóc con không ngủ được tẹo nào. Đêm ấy con ngoan, chỉ ăn, ngủ, ị, đái một chút nhưng cứ phải ôm thì con mới chịu, nếu không là con lại khóc. Ngày hôm sau, mẹ cố chịu đau tập đi lại. Cũng may mẹ hồi sức nhanh. Nếu hôm đấy không phải ngày mùng 3 thì 2 mẹ con cũng đã xuất viện. Nhưng bà ngoại có kiêng có lành, quyết định hôm sau mùng 4 mới xuất viện. Đêm mùng 3 ở viện con bắt đầu quấy khóc, dỗ cũng không chịu nín. Đêm ấy bệnh viện đông, giường nào cũng kín cả. Nhưng các bạn con ngoan chịu ngủ, còn con thì hư lắm, khóc suốt thôi. Mẹ thì vẫn đau, nằm không ngủ được, mong trời sáng để được về nhà. 

Đón con ra viện có ông bà ngoại, bà Lam, bác Lâm và chị Hoài An. Chị Hoài An thích thú lắm, cứ đòi lên viện đón con cho bằng được. Được giao nhiệm vụ là phụ trách cô Lý, chị nhiệt tình lắm, lúc nào cũng nắm tay mẹ để dắt mẹ đi. Chị đáng yêu ghê con nhỉ.

Ở nhà bác Châu chuẩn bị đón con với một lo hoa hồng vàng rực rỡ. Trước đó, bà ngoại đã dọn dẹp đâu vào đấy để 2 mẹ con được thoải mái ngay. Con về trên tay bà ngoại với một vết son trên trán và được 1 cái roi dâu và 1 con dao bảo vệ. Roi dâu là của cụ Liên hàng xóm bẻ cho con đấy. Chắc là vì thế nên khi về đến nhà là con ngủ một cách ngon lành, không quấy khóc như ở bệnh viện. Nhưng chỉ đến đêm là con bắt đầu khác. Chuỗi ngày vất vả bắt đầu!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *