Viêm phổi, phải đi bệnh viện rồi

Con kỷ niệm 9 tháng tuổi bằng trậm ốm này đây.

Thứ Bảy, 25/8/2007, con được bác Thái tiêm phòng mũi sởi. Trước đó 1 tuần con có cơn sốt mọc răng nhưng con cũng đã gần bình thường trở lại, chỉ hơi húng hắng ho tí chút. Vì thế mặc dầu còn hơi nghi ngại nhưng mẹ vẫn quyết định tiêm phòng cho con vì bác Thái bảo, mũi sởi này rất lành, không bé nào bị sốt cả.

Buổi sáng bác tiêm cho con (9h30, lúc ấy mẹ lại phải lên lớp, bà thì về quê làm rằm tháng 7, có mỗi gì Thắng và gì Khai ở nhà trông con). Đến 2h chiều là con bắt đầu sốt, lại sốt theo đúng cái kiểu sốt “mọc răng”, tức là sốt nửa thân trên. Mẹ chủ quan, nghĩ rằng có khi con sốt do phản ứng tiêm vì mấy lần trước con đều bị vậy. Mẹ không để ý đến việc ngoài sốt con còn bị ho, nhảy mũi, chảy nước mắt. Mẹ xem sách nên nghĩ đấy chỉ là những biểu hiện của một lần bệnh sởi nhẹ, phản ứng của cơ thể khi tiêm phòng mà thôi.

Đến 10h đêm con bắt đầu sốt cao, mẹ đo nhiệt độ, 3904 mà giật cả mình. Mẹ vội vàng pha thuốc giảm sốt Babymol cho con. Chờ 30 phút, rồi 60 phút mà con chẳng toát được tí mồ hôi nào. Nhiệt độ lại tăng đến 3907. Sợ quá, mẹ lại pha Eferagan cho con. Lại tiếp tục chờ 30 phút, rồi 60 phút, vẫn không hạ sốt. Lúc ấy là mẹ bắt đầu lo ra mặt, nhưng vẫn không dám đi viện vì sợ đêm hôm gió máy, con lại trúng gió thì lại càng nguy hiểm hơn. Mẹ và gì Thắng cả đêm không ngủ, mong cho trời sáng nhanh để đưa con sang bác sỹ Dũng (phó trưởng khoa nhi, BV Bạch Mai, nhà ngay gần nhà mình ở Phan Đình Giót). Uống thuốc hạ sốt con không hạ, đành lấy khăn mát đắp trán, lấy khăn ấm lau mình cho con. Nhiệt độ con không hạ nhưng cũng không tăng lên nữa.

Sáng ra, 2 bác Lâm Châu và chị Hoài An sang nhà. Cũng may là Chủ nhật nên 2 bác không bận đi làm. Mẹ và bác Châu dỗ cho con ăn sáng, định bụng ăn xong thì bế sang cho bác sỹ khám. Vừa ăn xong, tự nhiên không trớ gì mà con tím môi lại, mắt thì lờ đờ nhìn lên trên, miệng im không khóc lóc ỉ ôi gì cả. Mẹ sợ quá vội vàng vừa gọi con, vừa cho ngón tay vào miệng con ngoáy ngoáy để vừa cho con trớ ra, vừa tránh con cắn lưỡi. May làm sao chỉ 1 tí chút là con mút ngón tay mẹ chùn chụt, môi hồng trở lại, tiếp tục khóc lóc ỉ ôi nhõng nhẽo. Cả nhà hú vía, quàng vội cho con cái áo rồi bác Lâm chở 2 mẹ con sang ngay nhà ông Dũng. May mà ông có nhà, ưu tiên khám cho con trước cả mấy anh chị đã đến từ lâu. Ông nghe phổi rồi kết luận con bị viêm tiểu phế quản nặng, vào viện ngay lập tức. Mẹ lúc ấy hồn vía lên mây, sợ lắm, vội vàng bế con nhảy lên xe máy cho bác Lâm chở ngay vào bệnh viện Bạch Mai mặc cho quần áo mẹ đang còn lôi thôi lếch thếch, con lại chỉ có đúng một cái khăn sữa làm đồ dùng.

Vào đến viện là các cô y tá cho con cặp sốt ngay, 3907 cặp nách. Ngay lập tức họ pha thuốc hạ sốt và thuốc an thần bắt con uống. Lúc ấy mỗi mình mẹ xoay xở, bác Lâm thì bận gọi điện thoại, bác Châu lại chưa lên đến nơi, con lại khó tính không chịu uống, uống vào trớ ra nên lại phải uống lại. Sau đấy bác sỹ khám cho con, cô y tá lấy máu con (những 3 tuýp máu, lại chọc ở tay trông rất thương làm con khóc, mẹ cũng khóc theo), rồi 2 cô thực tập sinh lại làm hồ sơ cho con, phải đến trưa mới xong thủ tục nhập viện, trước mắt là nằm ngay tại phòng điều trị tích cực (phòng theo dõi thường xuyên). Cũng đến trưa thì 2 gì chuẩn bị xong đồ đạc cho 2 mẹ con. Nào quần áo, khăn chậu, phích nước, bình nước, sữa bột, cốc chén,… Kể cả cái quạt điện to tướng cũng mang trộm vào được phòng để cho con khỏi bị nóng toát mồ hôi. Đến chiều thì con hạ sốt, nhưng cũng chỉ hạ được 1 lúc, khoảng 2 tiếng sau là lại sốt trở lại, lại tiếp tục uống thuốc hạ sốt để tránh trường hợp con sốt cao quá dẫn đến co giật. Cứ như vậy cho đến sáng hôm sau, con sốt làm 3 cơn, nhưng đỉnh sốt cũng hạ dần và thời gian giữa 2 lần sốt cũng giãn dần. Từ đây bắt đầu những ngày nằm viện của cả 2 mẹ con (vì từ lúc vào cho đến lúc về, mẹ cũng không về qua nhà, ở luôn trên viện với con).

Sáng hôm sau con hạ sốt, bác sỹ yêu cầu đi chụp phổi. Chụp xong thì kết quả là con viêm phổi. Nghe thế là đã hãi rồi. Như vậy là phải nằm viện lâu dài đây, phải tống kháng sinh vào người con đây. Mẹ và mọi người chuẩn bị tinh thần như thế. Lúc ấy ở Nam Định cũng biết tin, bố Hoàn con cũng biết tin, Nghệ An biết tin, ông ngoại ở Sài Gòn biết tin, ông bà Linh Dy, ông bà Minh Nhâm cũng biết tin. Thế là mọi người đều lo lắng, gọi điện hỏi thăm liên tục. Khổ thân mọi người, mọi người biết thì đâm ra lo lắng, mà nếu mẹ giấu không cho mọi người biết thì lại đoán già đoán non, có khi lại còn lo lắng hơn. Đằng nào cũng khó.

Cả ngày trên viện, mọi việc khá là nề nếp. Sáng 6h con dậy, mẹ tranh thủ cho con ăn tí bột sữa để đến 8h con sẽ phải tiêm kháng sinh, phải uống hạ sốt và tiêu đờm, 2 hôm đầu con còn phải hít khí rung để dễ thở nữa. Đến trưa, bác Lâm chở 2 gì Thắng và Khai thay nhau lên đưa cơm và trông con cho mẹ. Chiều 2h lại một đợt tiêm và uống thuốc nữa. Sau đấy là ăn tối và ngủ đêm. Ban ngày, 2 gì thay nhau trông 2 mẹ con. Đến đêm, gì Thắng ở lại cùng ngủ với 2 mẹ con. Đêm thứ nhất và thứ hai con vẫn còn quấy, mọi người cũng ngủ chập chờn theo con. Gì Thắng thức đêm không quen nên mệt phờ. Mẹ cũng mệt phờ vì vài đêm mất ngủ là mẹ không thể chịu được. Đêm thứ 3 con mới thực sự hạ sốt để mẹ và bà ngoại (lúc ấy từ Nghệ An vội vàng ra kịp với 2 mẹ con) tranh thủ ngủ vài tiếng. Lúc này 2 mẹ con đã được chuyển về phòng nội trú theo dõi, không phải là phòng điều trị tích cực nữa.

Tưởng rằng như vậy là con đỡ, nào ngờ đêm thứ 4 con sốt lại. Đêm ấy bà ngoại ngủ với 2 mẹ con. Mà đến lúc ngây ngây sốt con lại cứ hất hất cái đầu, trông thì không biết là con nghịch con mơ ngủ, hay là con co giật nhẹ. Mẹ lo quá lại bế lên phòng điều trị tích cực hỏi bác sỹ. Bác sỹ quan sát một lúc cho rằng có khả năng là co giật, lại yêu cầu mẹ cho con nằm ở phòng điều trị tích cực theo dõi tiếp. Thế là 2 mẹ con nằm ở phòng điều trị tích cực, bà ngoại tranh thủ về phòng nội trú tranh thủ ngủ còn thay ca cho mẹ. Nhưng bà cũng chẳng ngủ được, cứ 1 chốc lại sang nhìn xem 2 mẹ con thế nào. Mẹ con mình hôm ấy số đen lại phải chung giường với 2 mẹ con nhà khác, vừa khó tính lại vừa không biết nhường nhịn. Cuối cùng đến 3 giờ sáng, thấy con đỡ sốt rồi, mẹ xin phép bác sỹ cho con về phòng nội trú ngủ. Cũng may con hạ sốt, người dễ chịu, ngủ một mạch đến sáng.

Hôm sau lại chu kỳ như cũ, con cứ sốt đi rồi lại sốt lại, lại tiêm, lại uống. Nhưng cơn sốt bắt đầu giảm dần, không còn cao và dài nữa. Đến đêm là con gần như bình thường, chỉ còn húng hắng ho. Đêm ấy là đêm thứ 5. Hôm sau đã là thứ 6, cũng là ngày thứ 6 con ở viện. Mẹ tính, nếu con không ra viện được thứ 6, thì phải đến thứ 3 tuần sau con mới ra viện được vì sẽ vướng thứ 7, CN không làm thủ tục ra viện, thứ 2 lại nghỉ bù ngày 2/9. Mà nếu ở thêm 4 ngày như thế, con sẽ lại phải tiêm thêm 8 mũi kháng sinh nữa, tiêm lại toàn phải tiêm ven vào đầu hoặc chân, tội con lắm.

Thế là sáng hôm đó, sau khi sang Viện Thần kinh làm điện não đồ để theo dõi xem con có biểu hiện gì đặc biệt không (bác sỹ yêu cầu kiểm tra để yên tâm do đêm hôm trước con có biểu hiện giống như là co giật nhẹ), mẹ nhờ bác sỹ khám cho con để xin bác sỹ cho ra viện. May quá bác sỹ đồng ý với điều kiện con phải tiếp tục uống thuốc (kháng sinh và tiêu đờm) theo đơn và theo dõi thường xuyên tại nhà tránh sốt lại vì bác sỹ nghi con sốt lại do lây nhiễm sốt siêu vi trùng ở bệnh viện. Mẹ đồng ý cả 2 tay 2 chân, sướng quá vì con được ra viện về nhà. Đến chiều, sau khi tiêm và uống thuốc xong, mẹ đi làm thủ tục ra viện. Tưởng được về sớm nhưng các ông và các chú ở Bộ môn của bố mẹ lại muốn đến thăm con nên mẹ con lại phải chờ mãi đến 6h tối mới đi taxi về được nhà.

3 ngày tiếp sau đó con vẫn phải tiếp tục duy trì uống thuốc và kiêng kị triệt để. Con dần khỏe trở lại và bắt đầu nghịch ngợm trở lại. Cả nhà thở phào vì đã qua một trận lo lắng kinh khủng.

Đấy, bây giờ con đã biết thế nào là nằm viện. Biết thế nào là bác sỹ, là ống tiêm. Biết cả những tình cảm mà các bạn cùng phòng bệnh dành cho con (chị Xuân, bạn Duy Anh, bạn Đức Huy, bé sơ sinh Đức Trí). Và hình như sau lần ốm này con thay đổi nhiều. Con đanh đá hơn, hay hét lên những lúc không vừa ý. Con nhõng nhẽo hơn, hay bắt mọi người bế lúc con gắt ngủ. Con lười ăn, lười uống hơn, hay phải bật đĩa quảng cáo ngay từ thìa đầu tiên. Hay là khi trong người con thay đổi cái gì, con cứ phải làm một cái gì đó để mọi người lo lắng, giống như kiểu triết học “muốn giải quyết mâu thuẫn, cần phải có chiến tranh” hả con?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *